Chào mừng Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

Thứ hai - 01/04/2024 03:56    Đã xem: 20
(WEBQUAN11) - Như chúng ta đã biết, ý tưởng về xã hội học tập bắt đầu được UNESCO thảo luận vào cuối những năm 60 của thế kỷ XXI, đã nhấn mạnh giáo dục cần phải có phạm vi bao phủ tới toàn bộ cộng đồng và diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân. Học tập suốt đời chính là chìa khóa của thế kỷ XXI, vượt xa hơn sự phân  chia truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên. Sự cần thiết phải nhìn nhận lại xu hướng giáo dục toàn cầu, trong đó có yêu cầu các nền giáo dục buộc phải chuyển dịch theo hướng mở và học tập suốt đời, các xã hội cần thiết phải phát triển theo hướng trở thành xã hội học tập. Nhiệm vụ thúc đẩy học  tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã trở thành một hướng đi tất yếu của mọi  quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh  hiện nay.  

Tại Việt Nam, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ trăn trở “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi nước ta giành độc lập cho tới những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Trực tiếp nhất, ngày 18 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội  học tập giai đoạn 2005 - 2010” với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện  thuận lợi để mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường  xuyên, liên tục, học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức  mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển giáo dục; mọi người,  mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây  dựng xã hội học tập. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt Đề án  giai đoạn 2012 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. 

Kết luận số 49-KL/TW ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư khóa XII  và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã  yêu cầu tất cả các cấp, các ngành: Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài,  xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục đích mọi công dân tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. 

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thành phố học tập được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là nơi tập hợp những điểm sáng trong hợp tác quốc tế,  đoàn kết các thành phố ủng hộ các sáng kiến học tập suốt đời. Ngày 14 tháng 02 năm 2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc  (UNESCO) công bố Thành phố Hồ Chí Minh chính thức là thành viên “Mạng lưới  thành phố học tập toàn cầu”. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với Việt Nam mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân. Điều này  mang lại cơ hội hết sức to lớn cho Thành phố trong tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác với các mạng lưới kết nối nhằm thúc đẩy việc học tập  suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư...  qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của Thành phố nói riêng  và của đất nước nói chung. 

Chính vì thế, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố cần nâng cao nhận thức về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có những hành  động và việc làm cụ thể góp phần thực hiện các kế hoạch và cam kết của Thành  phố Hồ Chí Minh, thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của  UNESCO.

Tác giả: Phòng VHTT Quận 11

Nguồn tin: Theo cv 276/VHTT 01/4/2024 của Phòng VHTT Quận 11

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây