Những điều cần biết về bệnh cúm A (H1N1)

Thứ hai - 27/03/2023 23:02    Đã xem: 48
Thời gian vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, qua giám sát chủ động đã phát hiện các chùm ca cúm A (H1N1) tại một trường tiểu học thuộc địa bàn TPHCM. HCDC cho biết, theo số liệu giám sát trong những tháng đầu năm, Thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp tại trường học ở các quận. Các chùm ca bệnh đã được ghi nhận và xử lý sớm giúp hạn chế lây lan. Từ đó, cho thấy việc quản lý, giám sát và xử lý sớm chùm ca bệnh trong trường học là hết sức quan trọng. Đặc biệt, TPHCM đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người.

Cúm A/H1N1 là bệnh nguy hiểm do tỷ lệ lây lan rất nhanh và mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch rất lớn. Thông thường, người mắc bệnh cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi trong vòng chưa đến 2 tuần mà không cần can thiệp thuốc điều trị hoặc chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cúm có thể khiến người bệnh gặp các biến chứng nặng nề kéo dài chẳng hạn như viêm phổi, ở những đối tượng có nguy cơ cao: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, đái tháo đường hoặc tim mạch,…

Virus cúm A/H1N1 có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người theo hai con đường chính là: đường hô hấp và đường tiếp xúc trực tiếp.

Theo điều tra dịch tễ, người mang virus cúm A(H1N1) có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng cúm. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện.

“COVID-19 và cúm đều tấn công phổi gây ra tình trạng suy hô hấp cấp tính. Bất kể ai cũng có thể mắc COVID-19 và cúm cùng lúc, điều này sẽ trở thành một “quả bom” công phá hệ miễn dịch, khiến tỷ lệ tử vong tăng cao. Do đó, tất cả mọi người, đặc biệt trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền cần chủ động tiêm phòng cúm A/ H1N1 để tăng đề kháng hô hấp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus cúm và Covid-19, đồng thời giảm tỷ lệ nhập viện, điều trị tích cực và tử vong do virus SARS-CoV-2.” Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP.HCM nhấn mạnh.

Cúm A/H1N1 gây “gánh nặng kép” cho sức khỏe cộng đồng song song với COVID-19. Chủ động tiêm phòng vắc xin cúm A/H1N1; thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả là chìa khóa hiệu quả và tiết kiệm nhất bảo vệ sức khỏe cả gia đình khỏi cúm và biến chứng nguy hiểm gây ra do COVID-19.

 
phongcumA

Tác giả: TTYT Q11

 Tags: h1n1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
slide_right
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây