SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
8
8
5
9
3
Tin tức sự kiện 25 Tháng Giêng 2019 4:10:00 CH

Phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND quận 11 về Chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020

Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là một giải pháp căn cơ để người nghèo, hộ nghèo tự thân đi lên, thoát nghèo bền vững

Chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn quận, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019 sắp đến, Ban biên tập Bản tin quận 11 đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND quận Trần Phi Long về một số vấn đề liên quan đến kết quả đạt được của địa phương trong 03 năm qua khi triển khai thực hiện chương trình trọng điểm “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020.

Ông Trần Phi Long - Phó Chủ tịch UBND quận ký kết phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững

Phóng viên: Thưa ông, với cương vị là cán bộ lãnh đạo phụ trách chương trình “Giảm nghèo bền vững” của Quận, xin ông cho biết đến thời điểm này, kết quả giảm nghèo mà Quận 11 đã đạt được như thế nào?

Ông Trần Phi Long: Với tổng số 2.373 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,2% trên tổng số hộ dân) và 1.782 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,15% trên tổng số hộ dân) vào thời điểm đầu năm 2016, cùng với sự thiếu hụt các chiều xã hội của hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục và đào tạo, việc làm và bảo hiểm xã hội, y tế, điều kiện sống, tiếp cận thông tin… càng làm cho việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo trên địa bàn quận trở nên khó khăn hơn. Trước tình hình đó, căn cứ theo tinh thần Chương trình số 08-CTr/QU ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ quận về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020, Quận ủy đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo cho chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở triển khai nhiều giải pháp căn cơ và lộ trình cụ thể để đảm bảo hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

Xác định công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là một giải pháp căn cơ để người nghèo, hộ nghèo tự thân đi lên, thoát nghèo bền vững, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận phối hợp với Ủy ban nhân dân 16 phường nắm rõ nhu cầu từng hộ nghèo để tổ chức dạy nghề cho người nghèo trong độ tuổi lao động; liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm ổn định cho hộ nghèo. Để tạo điều kiện cho các hộ tự tổ chức sản xuất-kinh doanh tìm thêm nguồn thu nhập vươn lên thoát nghèo, Ban Giảm nghèo bền vững quận, phường đã kết hợp nguồn vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn hỗ trợ khác trợ vốn, giải ngân với tổng số tiền hơn 87 tỷ đồng cho 1.734 hộ nghèo vay vốn; đồng thời giải ngân vốn vay cho 1.731 dự án, giải quyết việc làm cho 1.864 lao động nghèo. Việc thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội cho người nghèo được Ủy ban nhân dân quận đặc biệt quan tâm, trong gần 03 năm qua, toàn quận đã cấp phát 32.799 thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo; miễn, giảm học phí, cấp bù tiền học 2 buổi/ngày cho hơn 2.200 học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho 176 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 3.810 hộ nghèo nhóm 1, 2 với số tiền 1,597 tỷ đồng; hàng năm tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán và tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Đến nay, toàn quận đã có 100% hộ nghèo đạt thu nhập trên 21 đến 28 triệu đồng/người/ năm; 83,63% hộ cận nghèo đạt thu nhập trên 28 triệu đồng/người/năm; còn lại 182 hộ cận nghèo ở các Phường 01 (21 hộ), Phường 03 (109 hộ), Phường 14 (52 hộ) còn nhiều khó khăn về thu nhập chưa đủ khả năng vượt chuẩn cận nghèo tại thời điểm kiểm tra. Đến tháng 6/2017, 30 hộ gia đình chính sách đã vượt chuẩn cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt chiều xã hội về giáo dục và đào tạo, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, nước sinh hoạt, sử dụng viễn thông, tiếp cận thông tin… Quận 11 đã đạt mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2016–2020 và hoàn thành trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XI đề ra.

Ông Trần Phi Long - Phó Chủ tịch UBND quận đối thoại với hộ nghèo

Phóng viên: Thưa ông, để đạt được kết quả đáng khích lệ này, ông có thể cho biết một số mô hình hay mà Quận đã thực hiện trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Phi Long: Trong 03 năm (giai đoạn 2016 - 2018) Quận 11 có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao và các cách làm hay, mà cụ thể có thể kể đến như: Mô hình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 11; Mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11; Mô hình Tổ tự quản giảm nghèo số 23 của Phường 3; Mô hình Hộ cận nghèo Phường 5 về “Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo công ăn việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ dân trong khu phố, có thêm thu nhập ổn định cuộc sống”.

Với phương châm “Lấy sức dân mà lo cho dân”, trong những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban vận động vì người nghèo quận, phường đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo trên địa bàn góp phần cùng với Đảng, Chính quyền thực hiện đạt hiệu quả Chương trình giảm nghèo. Cụ thể như: xây dựng 01 căn nhà tình nghĩa, 43 căn nhà tình thương; sửa chữa chống dột 06 căn nhà tình nghĩa, 80 căn nhà tình thương; trao 1.032 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ và 10 chiếc xe đạp. Trao tặng 2.065 thẻ BHYT, 25 phương tiện làm ăn, 06 phương tiện nghe nhìn, hỗ trợ 12 lao động học nghề; chăm lo 10.158 phần quà lễ, tết, trợ cấp khó khăn hàng tháng cho 349 lượt hộ. Tổng kinh phí chăm lo 9,790 tỷ đồng.

Phải kể đến còn có mô hình của Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo số 23 thuộc phường 3. Đối với những hộ khó khăn về nhà ở, tổ tự quản đã chủ động đề xuất Ban vận động Vì người nghèo phường xây dựng và sửa chữa nhà tình thương. Ngay từ đầu năm 2016, toàn thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đây là một chương trình mới, phương pháp tiếp cận và thực hiện chương trình giảm nghèo hoàn toàn mới. Do đó ngay từ đầu khi tiếp cận với chương trình giảm nghèo bền vững do quận và phường triển khai, Tổ giảm nghèo đã phối hợp cùng Ban điều hành tổ dân phố rà soát thật kỹ những trường hợp nghèo thuộc chương trình cũ và đề xuất bổ sung những trường hợp nghèo theo tiêu chí của chương trình nghèo đa chiều có sự giám sát của ban mặt trận khu phố, tổ dân phố và cảnh sát khu vực cùng sự đóng góp ý kiến của nhân dân thông qua hội nghị bình chọn công khai ở từng tổ dân phố để xét hộ nghèo và cận nghèo cho giai đoạn mới. Tính tới thời điểm hiện nay tổ giảm nghèo đã đề xuất giúp cho 100% thành viên có được bảo hiểm y tế, 4 suất học bổng mỗi xuất trị giá 1.500.000 đồng. Giới thiệu vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội 6 trường hợp với tổ số tiền 200.000.000 đồng phục vụ cho công việc kinh doanh mua bán nhỏ lẻ nhằm cải thiện nâng cao cuộc sống và trang trải chi phí học tập.

Chuyển từ “cho” sang “hỗ trợ”, đó là một cách làm hay của đơn vị Phường 5. Kể từ khi được hỗ trợ chiếc xe đẩy bán cơm tấm, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Mạnh Tùng, ngụ Phường 5, Quận 11 đã bớt đi bấp bênh. Vốn có nghề truyền thống làm lồng đèn trung thu gia đình nhưng sau nhiều năm lồng đèn ế ẩm, gia đình anh Tùng rơi vào khó khăn. Được hỗ trợ phương tiện sinh kế là chiếc xe đẩy bán cơm tấm, anh Tùng xoay sang bán thêm cơm tấm buổi sáng ở đầu hẻm để kiếm thêm thu nhập. Cùng với sự khởi sắc trở lại của thị trường lồng đèn trung thu, sau nhiều năm dành dụm, gia đình anh Tùng đã sửa sang được ngôi nhà gỗ ọp ẹp năm xưa và chính thức thoát nghèo.

Hơn 10 năm bán trái cây dạo nhưng thu nhập của chị Lê Thị Tuyết Hoa, ngụ Phường 4, Quận 11 vẫn bấp bênh do việc bán buôn luôn phụ thuộc vào thời tiết. 2 năm nay, với sự trợ vốn của Hội Phụ nữ Phường, chị Hoa mạnh dạn đầu tư vào sạp trái cây gần nhà, thu nhập nhờ thế cũng trở nên khấm khá hơn. Năm 2017, địa phương còn hỗ trợ chị vay vốn để cải tạo ngôi nhà 8m2 của mình trở thành 24 m2 sàn vững chãi hơn. Hiện thu nhập của cả 2 vợ chồng từ sạp trái cây và công việc thợ hồ là 15 triệu đồng mỗi tháng, không còn thiếu trước hụt sau như trước. Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, phường đã tập trung rà soát lập danh sách phụ nữ nghèo, cận nghèo là chủ hộ, nắm chắc nhu cầu cần trợ giúp của hộ; từ đó đã tập trung nhiều giải pháp trợ giúp như: hỗ trợ cho 818 thành viên vay vốn, với số tiền là 10,289 tỷ đồng; phát vay cho 171 thành viên, với số tiền 1,1 tỷ đồng, trong đó đã trợ vốn không lãi suất cho 64 lượt phụ nữ nghèo với số tiền 312 triệu đồng. Tư vấn nghề và việc làm cho 5.016 người, giới thiệu cho 472 chị có việc làm, với các công việc như: giữ trẻ, gia công may mặc, giúp việc theo giờ, làm bao bì….. Giới thiệu cho 300 chị học nghề may, uốn tóc, làm bánh, trang trí báng kèm, nấu ăn. Cùng với nhiều hoạt động trợ giúp khác, đời sống của hội viên phụ nữ nghèo từng bước được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần, chủ động vươn lên thoát nghèo, giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Ông Trần Phi Long - Phó Chủ tịch UBND quận trao quà và học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi

Phóng viên: Vậy trong thời gian tới Quận 11 có những giải pháp nào để tiếp tục triển khai thực hiện?

Ông Trần Phi Long: Bước sang giai đoạn 2019-2020, một số giải pháp mà toàn hệ thống chính trị từ quận đến phường tiếp tục triển khai thực hiện như: tiếp tục tuyên truyền các hộ nghèo nhận thức được những lợi ích của chương trình, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để từ đó vận động họ phấn đấu tự lực vươn lên trong cuộc sống của bản thân và gia đình; tập trung vận động và cân đối đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu về vốn của hộ nghèo; gắn việc trợ vốn với hướng dẫn hộ nghèo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh phù hợp với trình độ sản xuất từng hộ; tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở tiếp tục nhận hỗ trợ hàng tháng cho các hộ không có khả năng nâng thu nhập để tiếp tục ổn định cuộc sống cho nhân dân; vận động thanh niên nghèo đăng ký học các nghề phù hợp với trình độ, khả năng, giới thiệu việc làm sau khóa học và tổ chức thi chứng chỉ tay nghề cho lao động tạo cơ hội nâng thu nhập cho lao động. Cùng với đó là tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo trong các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó là phát huy vai trò hoạt động tổ tự quản giảm nghèo, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giúp nhau của hộ nghèo, người nghèo trong sản xuất, làm ăn tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phóng viên: Xin cám ơn ông đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn cho Bản tin quận 11. Trước thềm năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019 đã gần kề, ông có lời nhắn nhủ gì với nhân dân trên địa bàn?

Ông Trần Phi Long: Bước vào năm 2019-2020, Thành phố sẽ áp dụng chuẩn nghèo cao hơn để nâng dần mức sống cho người dân. Vì vậy, Quận 11 sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới và thực hiện có hiệu quả chương trình Giảm nghèo bền vững của địa phương và Thành phố. Chúng tôi cho rằng chỉ có tạo cho người dân có một công việc ổn định, lâu dài thì họ mới có thể thoát nghèo bền vững, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề này, chăm lo tốt cho nhân dân địa phương, đảm bảo căn bản công tác an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Trước thềm năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến nhân dân trên địa bàn một năm mới với nhiều thắng lợi, hăng say lao động, cuộc sống ổn định, hưởng một cái tết đầm ấm, hạnh phúc, vui tươi, lành mạnh, an toàn.

 


Số lượt người xem: 2644    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA