Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Vi-rút cúm ở động vật, như cúm gia cầm, cúm heo, thường lây lan ở động vật và có thể lây truyền sang người. Con người có thể bị nhiễm virut cúm gia cầm, cúm heo và các loại vi rút cúm khác, như cúm gia cầm A (H5N1), A (H7N9) và A (H9N2) và các vi rút cúm lợn A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2). Cúm gia cầm A/H5N1 có khả năng lây nhiễm từ người dù rất khó. Dù vậy, cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỷ lệ tử vong của cúm gia cầm đạt hơn 50% trong suốt 15 năm qua, tức dịch bệnh này còn chết chóc hơn cả dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và virus corona mới. Từ năm 2003 đến năm 2019, WHO đã xác nhận tổng cộng 861 trường hợp nhiễm H5N1 ở người trên toàn thế giới, 455 trong số đó đã tử vong. Trong suốt 16 năm qua, Trung Quốc đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm cúm gia cầm và 31 trong số đó đã thiệt mạng. Đối với bệnh cúm gia cầm trên người hiện nay chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, vắc-xin phòng bệnh đang được nghiên cứu sản xuất. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
Ngày 3/2/2020, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo công điện khẩn nêu rõ: Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 1-2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng virus CGC A/H5N1 tại Ấn Độ; A/H5N1 tại Trung Quốc (ngày 1-2-2020, ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam; A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng Hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan ghi nhận các ổ dịch CGC A/H5N2 và H5N5. Nguy cơ lây lan giữa các nước là rất cao.
Đồng thời, Theo Cục Thú y, trong năm 2019, bệnh CGC đã xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 133.203 con gia cầm; đầu năm 2020 cả nước có 1 ổ dịch CGC A/H5N6 tại Quảng Ninh. Theo ghi nhận điều tra các trường hợp bệnh, vi rút cúm A/H5N6 phân bố trong phạm vi cả nước; vi rút cúm A/H5N1 tập trung chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Cục Thú y đánh giá Dự báo trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thời tiết thay đổi, số lượng gia cầm nuôi, việc vận chuyển giữa các địa phương, vi rút CGC còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Cúm gia cầm, nhằm chủ động ngăn chặn việc xâm nhập mầm bệnh vào Thành phố, đảm bảo an toàn dịch tễ gia súc, gia cầm và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh rất mong bà con, cô bác và các anh chị tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm không để xảy ra dịch Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
- Không được phép nuôi gia cầm (kể cả gà đá) trong nội thành, nội thị, ven nội, khu đô thị mới. Ở các huyện ngoại thành, không chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ, lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học;
- Không tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết, chất thải, chất độn chuồng, dịch tiết của gia cầm, các loài chim và chim hoang dã bị nhiễm bệnh;
- Không giết mổ, ăn thịt gia cầm bệnh, chết; gia cầm không rõ nguồn gốc;
- Không mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm sống trái phép và không kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y;
- Không ăn tiết canh và các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Bà con hãy sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch và nấu chín trước khi sử dụng;
- Phải thông tin nhanh cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh khi:
+ Thứ nhất: Thấy đàn gia cầm có dấu hiệu bất thường như tụ lại 1 chỗ, thở khó, chảy nước mắt, tiết dịch nhầy ở miệng; đứng không vững, run đầu cổ, co cứng cơ, nghẹo cổ, liệt chân; đặc biệt có dấu hiệu phù đầu, tím tái mồng tích, xuất huyết chân, chết đột ngột hàng loạt;
+ Thứ hai: Phát hiện mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép;
+ Thứ ba: Phát hiện xác gia cầm chết ngoài môi trường như ao, hồ, sông, rạch, ...;
Mọi thông tin về dịch bệnh trên gia cầm liên hệ về: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ : số 151 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận 11. Điện thoại: (028) 38.536.132, (028) 38.536.133, Fax (028) 38.536.131. Số điện thoại đường dây nóng: (028) 39.551.361.
Hoặc PHÒNG CHĂN NUÔI – DỊCH TỄ, ĐT: (028)-38.536.132 Nhấn tiếp số nhánh 112.
Địa chỉ thứ ba, TRẠM CHẨN ĐOÁN XÉT NGHIỆM VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG VẬT số 128 Trần Quý, Phường 6, Quận 11, ÐT: (028)-39.555.623
Vì sức khỏe cộng đồng rất mong nhân dân cùng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Tờ rơi tuyên truyền
(Theo công văn 941/VHTT ngày 17/11/2020)