Là người Việt Nam, trong tình hình biển Đông hiện nay, chúng ta cần phải tìm hiểu về lịch sử biển - đảo Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (Unclos), Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia Việt Nam nhằm góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Với lý do đó, vừa qua, Phòng Tư pháp quận đã tổ chức buổi tuyên truyền các nội dung trên cho đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú trên địa bàn quận 11.
Hiện nay, Trung Quốc là nước đang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chúng ta. Sau cuộc đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909, Trung Quốc bắt đầu quan tâm tranh chấp chủ quyền trên đảo này.
Tháng 4 năm 1956, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, lợi dụng tình hình ở Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Có 5 nước 6 bên tranh chấp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc chiếm giữ 7 đảo, đá; Philippines chiếm giữ 9 đảo; Malaysia chiếm giữ 7 đảo; Brunei cũng nêu yêu sách chủ quyền nhưng không chiếm giữ đảo, bãi đá nào; Đài Loan (lãnh thổ-bên) chiếm giữ đảo Ba Bình và cắm mốc bãi cạn Bản Than; Việt Nam thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo (gồm 9 đảo nổi, 12 đảo đá ngầm với 33 điểm đóng quân).
Biển Đông là biển lớn, có vị trí chiến lược quan trọng với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch, giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới. Hàng ngày có khoảng 300 tàu vận tải loại lớn qua lại, chiếm ¼ lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới, chuyên chở ½ sản lượng dầu thô và các sản phẩm toàn cầu, có nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí và khoáng sản rất lớn. Bờ biển nước ta dài hơn 3.260 km, có diện tích khoảng trên 1 triệu km2. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.
- Quần đảo Hoàng Sa: Gồm 30 đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm trên vùng biển có diện tích khoảng 16.000 km2, cách đảo Lý Sơn của ta khoảng 120 hải lý (1 hải lý = 1.852 km), cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2.
- Quần đảo Trường Sa: Gồm hơn 100 đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn, vùng biển có diện tích rộng khoảng 160.000 - 180.000 km2, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 243 hải lý, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 203 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 585 hải lý. Diện tích toàn phần nổi của quần đảo khoảng 10 km2.
Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 có 162 quốc gia phê chuẩn và tham gia (tính đến ngày 03/06/2011). Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về vấn đề biển và đại dương. Công ước Luật Biển năm 1982 nêu mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển, bao gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Năm 1994, Quốc hội nước ta đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Bằng việc phê chuẩn này, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 21/06/2012, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là hoạt động lập pháp cần thiết để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Luật Biên giới của Việt Nam quy định về chế độ pháp lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Chế độ pháp lý và bảo vệ vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết gia nhập.
Buổi truyền thông nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số có đầy đủ thông tin chính thống, củng cố niềm tin, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.