Ngày 25/03/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2015, thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/06/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Cơ chế một cửa là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.
Cơ chế một cửa liên thông là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để chuyển đến các cơ quan chuyên môn hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức.
Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông:
1/ Niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính tại Quyết định công bố thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
2/ Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn.
3/ Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.
4/ Việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan áp dụng một cửa, cơ chế liên thông bao gồm:
1/ Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2/ Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
3/ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
4/ Các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.
Diện tích tối thiểu của Bộ phận tiếp nhận trả kết quả:
1/ Của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 40m2;
2/ Của Ủy ban nhân dân cấp huyện: 80m2
3/ Của Ủy ban nhân dân cấp xã: 40m2
Trong tổng diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải dành khoảng 50% diện tích để bố trí nơi ngồi chờ cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
Căn cứ vào tính chất công việc của mỗi cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, mức tối thiểu phải có máy vi tính, máy photocopy, máy fax, máy in, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, nước uống, quạt mát hoặc máy điều hòa nhiệt độ và các trang thiết bị cần thiết khác để đáp ứng nhu cầu làm việc và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận thuộc biên chế Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận.
Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường thuộc 7 chức danh của phường được quy định tại Luật Cán bộ, công chức do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phân công căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố, quận, phường:
1/ Bố trí và phân công công chức có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
2/ Căn cứ vào tình hình cụ thể, ban hành Quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc trách nhiệm quản lý.
3/ Công khai các quy định, thủ tục hành chính đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng theo quy định; công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để tạo thuận lợi cho việc giám sát.
4/ Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ công chức làm việc ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
5/ Thông tin, tuyên truyền để cá nhân, tổ chức biết về hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.