Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2013.
Theo quy định của Luật Hợp xã thì Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong họat động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên là nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ giống nhau phát sinh thường xuyên, ổn định từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của thành viên, hợp tác xã thành viên. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì nhu cầu chung của thành viên là nhu cầu việc làm của thành viên trong hợp tác xã do hợp tác xã tạo ra.
Nhà nước có các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
a/ Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
b/ Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
c/ Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
d/ Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
đ/ Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;
e/ Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Ngoài ra, Nhà nước còn có các chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a/ Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;
b/ Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.