Ngày 24 tháng 10 năm 2012, Bộ Nội Vụ đã ban hành Thông Tư số: 05/2012/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2012.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV
1. Bổ sung Khỏan 3 Điều 1 như sau:
“3. Khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập”.
2. Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 4 như sau:
“b) Cơ quan quản lý công chức quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP:
- Căn cứ vào báo cáo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, phê duyệt kết quả tuyển dụng công chức thuộc phạm vi quản lý;
- Quyết định việc tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV”.
3. Bổ sung Điểm đ Khỏan 2 Điều 10 như sau:
“đ) Đối với trường hợp là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định tại Điểm b Khỏan 1 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV và cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền”.
Như vậy các quy định nêu trên rất cụ thể và rõ ràng, được áp dụng thống nhất và nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, ở các ngành, các cấp. Tránh sự không thống nhất, nhất quán trong việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương, ngành vừa qua trong công tác tuyển dụng có phân biệt, đối xử là do quy định thiếu cụ thể và không quy trách nhiệm.