5. Về việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điểm mới về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Luật Tố tụng hành chính là quy định người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Sở dĩ Luật quy định như vậy vì trong quan hệ hành chính một bên đương sự có phần yếu hơn. Do đó, nếu áp dụng biện pháp bảo đảm thì sẽ ít nhiều làm hạn chế quyền của người dân được yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ…
6. Về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa
Điều 131 Luật Tố tụng hành chính quy định sự có mặt của đương sự, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cùa đương sự tại phiên tòa. Đây là những quy định cần thiết nhằm bảo đảm cho sự có mặt tại Tòa án, tại phiên tòa của những người nói trên theo giấy triệu tập của Tòa án, thể hiện nghĩa vụ tôn trọng Tòa án của họ. Tòa án hoãn phiên tòa nếu họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có người vắng mặt.
Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
- Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời gian khởi kiện vẫn còn;
- Đối với người bị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ…
7. Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm
Đây cũng là quy định mới của Luật Tố tụng hành chính so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, theo đó khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền quyết định:
- Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu khởi kiện đó không có căn cứ pháp luật
- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;
- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;
- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh.