SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
9
5
0
2
3
Phổ biến pháp luật 06 Tháng Bảy 2011 11:10:00 SA

Một số nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính

        1. Về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng loại trừ; cụ thể là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau đây:

a. Khiếu kiện quyết định hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

b. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử ĐBQH, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND.

c. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

d. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

2. Về quyền khởi kiện vụ án hành chính

Luật Tố tụng hành chính quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính, hành vi vi phạm hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó…

Nếu như trước đây Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án thì nay theo quy định của Luật tố tụng hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.  Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

3. Về thời hiệu khởi kiện

Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy theo từng trường hợp.

4. Chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hành chính

a. Về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự

Theo quy định tại Điều 8 và Điều 72 Luật Tố tụng hành chính thì đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, đương sự có quyền và có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b. Về trách nhiệm của Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ

Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này quy định. Cụ thể là: trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ bao gồm: lấy lời khai của đương sự; lấy lời khai của người làm chứng; đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.

Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng đắn. Đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh, chứng cứ cần thu thập và lý do vì sao tự mình không thu thập được.

Tòa án có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ.

c. Về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát

Luật Tố tụng hành chính quy định cụ thể cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Thời hạn cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát. (còn tiếp)

Cần biết…

Từ ngày 1/7/2011, 8 luật sau đây sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là các Luật: Luật Tố tụng hành chính; Luật Thanh tra; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.


Số lượt người xem: 5235    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Thông điệp Tay chân miệng 2015
  • Thông điệp Sốt xuất huyết 2015
Tìm kiếm