I. TRÌNH TỰ TỔ CHỨC BỎ PHIẾU
1. Khai mạc cuộc bầu cử
a) Thành phần:
- Các thành viên Tổ bầu cử; những người có nhiệm vụ liên quan đến bầu cử;
- Mời đại diện Chi ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể thuộc khu vực bỏ phiếu;
- Mời đại diện cử tri cao tuổi và một số cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu.
b) Nội dung:
- Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
- Tổ trưởng Tổ bầu cử đọc diễn văn khai mạc;
- Đọc nội quy phòng bỏ phiếu và thể thức bỏ phiếu;
- Kiểm tra hòm phiếu và niêm phong hòm phiếu có sự chứng kiến của 02 cử tri.
Lưu ý: Phần khai mạc ngắn gọn, đúng trình tự và thể thức, trang nghiêm; thời gian tổ chức khoảng 15 đến 20 phút vào trước giờ bỏ phiếu.
2. Thể thức bỏ phiếu
- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá mười giờ đêm;
- Khi vào phòng bỏ phiếu, mỗi cử tri được hướng dẫn và nhận phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp; cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri;
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu;
- Khi cử tri không tín nhiệm ứng cử viên nào thì gạch đè lên hết hàng chữ họ và tên ứng cử viên đó; không ghi tên người ngoài danh sách ứng cử; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong đơn vị bầu cử; không được sử dụng phiếu bầu không có dấu của Tổ bầu cử;
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác;
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “ĐÃ BỎ PHIẾU” vào thẻ cử tri;
- Mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu; không ai được vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu;
- Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri có mặt tại phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu;
- Trong ngày bầu cử việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu, thì tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
3. Tổ chức bỏ phiếu
- Mời các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu và cử tri cao tuổi có mặt bỏ phiếu trước;
- Các cử tri thực hiện việc bỏ phiếu theo hướng dẫn của Tổ bầu cử;
- Tổ bầu cử thường xuyên thông báo nội quy, thể thức bỏ phiếu, tình hình bỏ phiếu, đôn đốc và nhắc nhở cử tri tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình;
- Phát thanh trên loa, đài các bài viết tuyên truyền, chương trình văn nghệ… tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân;
- Hết giờ bỏ phiếu theo luật định, Tổ trưởng Tổ bầu cử tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu;
- Tổ bầu cử lập biên bản và niêm phong số phiếu bầu còn dư và không sử dụng đến, kể cả các phiếu bầu bị viết hỏng;
- Tổ bầu cử tiến hành kiểm phiếu có sự chứng kiến của 02 cử tri và lập biên bản kiểm phiếu.
II. NỘI QUY PHÒNG BỎ PHIẾU
1. Khi vào phòng bỏ phiếu, mọi người phải tuyệt đối chấp hành đúng thể thức bỏ phiếu.
2. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, những người có nhiệm vụ phục vụ bầu cử đều phải đeo phù hiệu theo mẫu quy định.
3. Không ai được tuyên truyền vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu.
4. Phải giữ trật tự, không bàn tán gây ồn ào, xếp lần lượt để thực hiện việc bỏ phiếu.
5. Ai cần việc gì liên quan đến việc bỏ phiếu, thì gặp trực tiếp thành viên của Tổ bầu cử (người đeo phù hiệu Tổ bầu cử) để được giải đáp;
6. Không ai được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy… vào khu vực bỏ phiếu, phòng bỏ phiếu;
7. Khi kết thúc việc bỏ phiếu và trong quá trình kiểm phiếu, những người không có nhiệm vụ hoặc không được pháp luật quy định chứng kiến việc kiểm phiếu thì không được có mặt trong phòng bỏ phiếu.
(Trích: hướng dẫn số 1327/HD-BNV ngày 19/4/2011)