SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
7
8
6
2
3
Tin tức sự kiện 30 Tháng Tư 2020 5:05:00 CH

Quận 11 “tích cực – đổi mới – sáng tạo” sau 45 năm từ mùa xuân lịch sử (30/4/1975 -30/4/2020)

Cách đây 45 năm, vào tháng 4 lịch sử, quân và dân ta trên toàn miền Nam đã đồng loạt tấn công địch. Thế là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đạt được thành công vang dội: Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 21 năm chia cắt lâu dài, đau thương, hy sinh, mất mát chúng ta đã “Bắc Nam sum họp”, “Xuân nào vui hơn”.

Từ một quyết tâm của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã đi vào lòng mọi người một cách khẳng định. Trong cuộc chiến tranh nhân dân cho đến ngày đại thắng lịch sử ấy, Đảng bộ Quận 11 dưới sự lãnh đạo của Thành ủy đã phát huy được truyền thống cách mạng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, không ngừng phát triển, thực hiện có hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội của quận, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của thành phố.

Đầu tháng 6/1975, Thành ủy đã ra quyết định chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ quận gồm 15 đồng chí. Đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) được chỉ định làm Bí thư Quận ủy; đồng chí Huỳnh Văn Cang (Tư Cang) được chỉ định làm Phó Bí thư Quận ủy giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Quận. Như vậy, đến đầu tháng 6/1975, Đảng bộ Quận 11 chính thức được thành lập với 32 đảng viên.

Những ngày đầu mới giải phóng, Đảng bộ Quận 11 đứng trước những khó khăn, phức tạp trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Về kinh tế, chủ nghĩa thực dân đã để lại trên địa bàn quận một nền kinh tế mất cân đối, hoạt động kinh doanh sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đều ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nhiều hộ dân không có việc làm ổn định, bấp bênh, đời sống nhân dân trong quận gặp nhiều khó khăn do thất nghiệp, thiếu thốn về nhiều mặt. Khu vực nghĩa địa Quảng Đông và Phú Thọ là nơi tập trung nhiều tội phạm hình sự, ngụy quân, ngụy quyền, các tổ chức phản động. Quận 11 đứng trước nguy cơ nạn đói đe dọa.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn khách quan đang tồn tại, Đảng bộ quận 11 cũng có nhiều thuận lợi, dưới sự quan tâm và lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng bộ tích cực trong nhiệm vụ mới, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Quận 11, từ trẻ đến già, dù là người Hoa hay người Việt đều tích cực, tham gia các phong trào do chính quyền cách mạng phát động như: giữ gìn trật tự, dọn dẹp vệ sinh đường phố, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Quận ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cứu đói với phương châm “Không để một người dân nào bị chết vì đó”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội liên hiệp thanh niên và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn quận đều tích cực tham gia thực hiện chủ trương chung của Quận ủy phát động. Đến tháng 7/1975 đã có 11.641 hộ gia đình được cứu đói với số gạo 330.930 kg. Để ổn định đời sống nhân dân, việc phân bố lực lượng được đặt lên hàng đầu. Năm 1977, các cấp chính quyền cách mạng và các đoàn thể nhân dân đã sắp xếp được việc làm cho 5.713 lao động nghèo thất nghiệp; 15.501 người đi xây dựng vùng kinh tế mới, 41.281 người đi hồi hương lập nghiệp, 1.873 người đi vùng giãn dân, 2000 thanh niên nam nữ tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới… Một số nhà cửa dột nát, mất vệ sinh được giải tỏa, dời đi nơi khác, tổ chức các lực lượng quần chúng đi xây dựng các công trình như: nạo vét kênh rạch, giải quyết phần lớn nạn ngập nước ở các đường trong quận; sửa chữa đường xá…

Đặc biệt phải kể đến công trình khu văn hóa Đầm Sen. Hưởng ứng lời kêu gọi ngày 15/12/1975 của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, nhân dân quận 11 đã hăng hái đóng góp gần 400.000 ngày công lao động xã hội chủ nghĩa để cải tạo Đầm Sen từ một khu ruộng hoang, đầm lầy thành một hồ nước sạch, thoáng mát, rộng 55ha, góp phần cải thiện môi trường sống cho nhân dân trong quận. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, công cuộc cải tạo và xây dựng cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho nhân dân. Nếp sống văn hóa mới từng bước được hình thành. Ngành giáo dục dần dần khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất; số lượng trường học, giáo viên và học sinh được nâng lên qua các năm. Mạng lưới y tế quận nhanh chóng phát triển đến tận cơ sở nhằm chăm lo sức khỏe cho nhân dân lao động.

Trong giai đoạn 10 năm đầu tiên (1975-1985), nền kinh tế quận đã khôi phục và phát triển trở lại sau giải phóng, khắc phục hậu quả để lại nặng nề sau chiến tranh bằng nhiều biện pháp tích cực và chủ động, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển theo mô hình quản lý mới theo hướng tự chủ, tự lo liệu cân đối, tự trang trải trong sản xuất kinh doanh, trở thành một quận sản xuất ngày càng phát triển.

Sau 15 năm triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dựa trên hoạt động thực tiễn trên địa bàn quận, Đảng bộ kiên quyết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, từng bước xây dựng phát triển kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước.

Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, bộ mặt kinh tế quận 11 sau 25 năm đã có sự biến đổi sâu sắc, toàn diện, từ một nền kinh tế lệ thuộc, tập trung quan liêu bao cấp đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và liên tục tăng trưởng. Có thể nói thời kỳ 1975 – 2000 là một chặng đường đã để lại nhiều dấu ấn của sự thay đổi lớn trên địa bàn quận, những thành tựu của quận rất căn bản và to lớn. Với 25 năm xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, quận 11 đã hoàn toàn đổi mới về mọi mặt, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao và từng bước đi vào ổn định.

Nguyên Bí thư Quận uỷ Dương Công Khanh cho biết, trong giai đoạn 5 năm (2000 – 2005) kinh tế trên đại bàn quận tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch tích cực theo cơ cấu thương mại, dịch vụ - sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã di dời, ngưng nghỉ hoặc chuyển đổi ngành nghề; công tác quản lý và phát triển đô thị, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng có nhiều chuyển biến tích cực và được thường xuyên xây dựng, phát triển; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng, phát triển Đảng được coi trọng.

Trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2005 -2010), quận đã tiếp tục tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư và đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá trên các lĩnh vực. Về phát triển và quản lý đô thị, quận đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, ngăn chặn triệt để và xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Bên cạnh đó là tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của các đơn vị và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống cây xanh. Trong công tác xây dựng Đảng, quận tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, công tác phát triển đảng viên mới phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy định, tập trung vào lực lượng đoàn viên thanh niên, công nhân lao động và trong người Hoa.

Đánh giá về giai đoạn 2015-2020, cùng với Thành phố và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận 11 đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XI trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thử thách đan xen. Quận 11 đã thực hiện phương châm “Tích cực – Đổi mới – Sáng tạo” gắn với nội dung trọng tâm: “Quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả các nội dung 07 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X” và 02 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ XI giai đoạn 2015-2020 đã đề ra.

Kết quả là Đảng bộ và nhân dân Quận 11 đã được Đảng - Nhà nước tặng thưởng, nhiều phần thưởng cao quý như huân chương lao động các loại (huân chương lao động hạng nhất; huân chương lao động hạng nhì; huân chương lao động hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều cá nhân đạt chiến sĩ thi đua toàn quốc… Như vậy trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của Quận 11 đã có những chuyển biến toàn diện. Từ một Quận nghèo, vùng ven Thành phố, nhiều hộ dân sống bằng nghề sản xuất Tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, trình độ dân trí thấp, nhiều người dân chưa biết chữ, tình hình an ninh - trật tự xã hội còn nhiều phức tạp. Hiện nay, bộ mặt đô thị của Quận 11 đã được đổi mới, khang trang hơn, từ đó đã tác động tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quận, nhất là cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân trên địa bàn. Kết quả đạt được đó chính là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân Quận 11 quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ quận, là do đảng bộ, chính quyền quận đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết kết hợp giữa “ý Đảng và lòng dân” vào Nghị quyết của Đảng bộ quận. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính trên địa bàn quận đã khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Quận 11 trong xây dựng chính quyền điện tử và góp phần xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu cao cả đó là: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.


Số lượt người xem: 1812    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA