SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
4
7
8
5
1
Tin tức sự kiện 29 Tháng Tư 2020 10:30:00 SA

Chuyện kể nhân ngày Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) (Kỳ 2)

 

 

Gặp gỡ và trò chuyện cùng nguyên lãnh đạo Quận ủy Quận 11 thời kỳ quân quản: Bà Trương Mỹ Lệ - Nguyên Bí thư Quận ủy Quận 11 giai đoạn 1975 - 1976

 

Phóng viên: Được biết trong thời kỳ Quân quản, Bà Trương Mỹ Lệ là một trong những cán bộ chủ chốt được phân công tiếp quản quận 11, xin cô chia sẻ đôi điều vào giai đoạn tiếp quản Quận 11 trong thời khắc lịch sử 30/4/1975?

 

Bà Trương Mỹ Lệ:

            Giai đoạn 30/4/1975 là một trong những thời khắc lịch sử của toàn quân và dân ta. Khi tôi về quận 11 là khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Ban chấp hành lúc bấy giờ do Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đã tăng cường cán bộ cho Ban cán sự quận 11 và chỉ định đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) giữ chức vụ Bí thư.

Nói sơ nét về Quận 11 là một quận vùng ven với phần lớn là công nhân lao động khoảng trên 200.000 dân. Phân nửa các ngành nghề là dân tộc người Hoa, đa phần là tiểu thủ công nghiệp, lúc bấy giờ tương đối không phải là một quận giàu và nhiều tiềm lực như các quận khác. Đời sống nhân dân lúc bấy giờ còn khó khăn, người dân chủ yếu sinh sống bằng mua gánh bán bưng, lao động giản đơn, thu gom ve chai, các ngành nghề thủ công truyền thống như làm thủy tinh, làm chiếu, thuộc da…

Đến đầu tháng 6/1975, đồng chí Phạm Chánh Trực được điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Khi tiếp quản giai đoạn giải phóng, tôi được phân công là Bí thư. Trong Ban chấp hành tổng số được 16 đồng chí, tôi từ Thành đoàn mới chuyển về, người tại chỗ thì có chị Út Dân, anh Ba Lự, chị Chín Minh, chị Hai Hòa, anh Hai Thông, anh Tư Cang… Đây là một thời kỳ đặc biệt, gọi là thời kỳ quân quản của quận 11, cho nên trong Ban chấp hành 16 người thì có đến 5 đồng chí Trung tá.

 

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Quận đến thăm và tặng quà bà Trương Mỹ Lệ – Nguyên Bí thư Quận ủy Quận 11 thời kỳ 1975-1976 nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)

Hồi xưa đó, cơ cấu hành chính mình được sắp xếp theo quận rồi xuống phường, tới khóm. Sau này bỏ khóm, phường lớn chia thành các phường nhỏ. Lúc bấy giờ quận mình có chừng 4-5 phường thôi, đơn vị dưới phường mình gọi là khóm, lúc bấy giờ quận nào cũng có một Trung đoàn chủ lực. Một Trung đoàn như vậy phải hỗ trợ cho các phường, phường lớn là mỗi phường một đại đội, sau này khi chia lại phường thì mỗi phường được một trung đội hỗ trợ. Khi chia lại hệ thống tổ chức đã bỏ khóm, phường nào cũng xây dựng phường đội riêng, có đại đội hoặc trung đội đứng chân chủ lực riêng cho phường.

Đặc thù của quận 11 về an ninh lúc bấy giờ, là một quận trọng điểm về an ninh. Vì thứ nhất có hai khu cư xá, gồm Cư xá Lữ Gia với Cư xá Lê Đại Hành, là hai cư xá tập trung đông sĩ quan ngụy, có nhiều tội phạm hình sự ẩn náu. Thứ hai, có hai cái Nhị tỳ là Nhị tỳ Quảng Đông và Nhị tỳ Phú Thọ. Nhị tỳ là nơi những người Hoa giàu có khá giả họ xây trước những khu mộ kiên cố, lúc bấy giờ tàn quân ngụy thường hay ẩn náu, sống dưới Nhị tỳ. Sau này mình phải đi dẹp, giai đoạn đó rất là gian truân.

Một điểm đáng kể nữa là Quận 11 là một quận được thành lập sau Mậu Thân, đặc điểm về địa hình khiến quận 11 là con đường trọng yếu để lực lượng quân Giải Phóng tiến vô theo hướng Tây Nam, Bình Chánh sẽ đi vô quận 11. Từ quận 11, bộ đội ta dễ dàng tiến thẳng theo hướng Chung cư Lý Thường Kiệt Quận 10, chung cư Minh Mạng, rồi tiến thẳng qua Quận 3 qua Chung cư Nguyễn Thiện Thuật thẳng tiến vào Dinh Độc Lập. Thế cho nên bọn chúng mới lập chốt ở Quận 11 để chặn con đường tiến quân của Quân giải phóng. Cho nên xét về mặt an ninh quân sự là một địa bàn khá quan trọng. Chưa kể đến, trong quận 11 có hai khu cư xá là nơi ở của các sĩ quan cao cấp của ngụy quyền Sài Gòn.

Do vậy, nhiệm vụ thứ nhất sau giải phóng là chăm lo đời sống quần chúng, cứu đói cho dân. Lúc đó khẩu hiệu của Thành ủy tôi còn nhớ rất rõ, đó là “Không để một người dân nào chết vì đói”, cho nên nếu để xảy ra một gia đình nào phải tự tử vì đói thì cấp ủy nơi đó phải chịu kỷ luật rất nghiêm, người đứng đầu là phải chịu trách nhiệm. Do vậy, chúng tôi mới chỉ đạo và cùng với anh em đi phá kho của quân tiếp vụ quân đội ngụy Sài Gòn cũ, trong kho của chúng chứa nhiều nhu yếu phẩm như gạo, lương thực… để phát cho đồng bào. Tôi nhớ cái kho nằm sau lưng tòa hành chánh của quận 11 mình bấy giờ.

Công việc thứ hai là chúng tôi bố trí lại lực lượng lao động, cho phục hồi lại kinh doanh sản xuất, vì đặc thù là quận tiểu thủ công nghiệp, người Hoa nhưng họ là người có tay nghề với một số mặt hàng chủ lực như: thủy tinh, da, cao su, ve chai… Chúng tôi đã bố trí lại lực lượng là những người có quê thì vận động họ trở về quê hương, những người không có quê thì một bộ phận được đưa đi Kinh tế mới, nhưng đa phần người dân gắn bó với địa phương nên cuối cùng cũng quay về với địa phương.

Một nhiệm vụ khác cũng khá quan trọng đó là truy quét địch, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ. Lúc bấy giờ, tàn quân phản động thường trốn dưới Nhị tỳ. Do vậy, Ủy ban nhân dân cách mạng của phường, của khóm thường bị bọn phản động trà trộn vào gây rối. Lúc bấy giờ đêm nào chúng tôi cũng phải họp dân để đấu tố suốt những ngày đầu giải phóng. Lúc đó những bọn phản động thường giả danh chính quyền giải phóng mình làm nhiều chuyện xấu, ăn cướp, bắn giết chết dân mình, bắt nhốt người của mình… Có thể thấy, giai đoạn này công việc rất bề bộn, nhiều nguy hiểm rình rập, tình hình an ninh rất phức tạp.

Sau giai đoạn đầu khó khăn gian khổ, tập thể Ban chấp hành chúng tôi dần dần thông hiểu và gắn bó với nhau, chúng tôi cùng nhau xây dựng đảng, xây dựng chính quyền cách mạng sau chiến tranh. Một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, nhưng chúng tôi không nản lòng. Tôi phụ trách Quận 11 trong 2 năm (1976- 1977), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ đầu tiên, các đoàn thể quần chúng được trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tập hợp được đông đảo quần chúng vào các tổ chức lớn mạnh, nhiều hoạt động để lại dấu ấn của nhiệm kỳ.

 

Phóng viên: Thưa bà Trương Mỹ Lệ, vậy đâu là dấu ấn đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ 1975-1976 mà bà phụ trách với cương vị là Bí thư Quận ủy Quận 11?

 

Bà Trương Mỹ Lệ:

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong giai đoạn mà tôi phụ trách là đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến hoạt động của quận 11, nhiều hoạt động của Quận 11 đều được đồng chí sắp xếp đến dự. Với quyết tâm để lại cho nhân dân quận 11 như là dấu ấn nhiệm kỳ giai đoạn đó chính là khởi đầu của việc bắt tay xây dựng và hình thành Công viên vui chơi giải trí Đầm Sen bây giờ. Hồi đó, nơi đây là một vũng sình lầy rau muống, thực hiện lao động xã hội chủ nghĩa toàn thành phố, quận 11 gồm cán bộ, thanh niên, đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng chung tay thực hiện mới xây dựng được Công viên văn hóa Đầm Sen, để lại công trình trọng điểm là nơi để nhân dân quận 11 và cả thành phố đến sinh hoạt vui chơi giải trí. Lúc tôi nhận nhiệm vụ mới thì Đầm Sen chưa hoàn thành, nhưng sau này Ban chấp hành sau tiếp nối để thực hiện chương trình này.

Sau nhiệm kỳ Quân quản được chỉ định Ban chấp hành, đến tháng 7/1977, Đại hội Đảng Quận 11 lần thứ nhất được diễn ra và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ I trong những năm 1977 – 1978. Nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong 2 năm đó là tập trung cải tạo quan hệ sản xuất, ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa xã hội, xây dựng và kiện toàn chính quyền nhân dân quận, phường; củng cố xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

 

Phóng viên: Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vinh dự được nghe thế hệ đi trước chia sẻ về những giai đoạn từ ngày đầu gian khó của quận nhà là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng của chính quyền và nhân dân quận 11 bằng những sự kiện lịch sử, “người thật, việc thật”. Qua đó làm nên trang sử vẻ vang của Lịch sử đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 11. Đó chính là những câu chuyện truyền thống đầy tự hào, để lại những bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối công cuộc xây dựng và phát triển quận nhà. Trước khi chia tay, bà có điều gì muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ quận nhà, trong giai đoạn hiện nay?

 

Bà Trương Mỹ Lệ:

“Thanh niên thời bình phải đưa đất nước đi lên”, đó là điều mà tôi muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ các bạn. Chúng tôi, những lớp người đi trước đã làm nhiệm vụ giải phóng đất nước thì bây giờ thế hệ các bạn phải tiếp bước có nhiệm vụ đưa đất nước đi lên. Đoàn viên, thanh niên phải xung phong, xung kích đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương, xây dựng đất nước, với tinh thần tự nguyện, sống có ích vì cộng đồng.

Đến nay, tôi vẫn muốn truyền lại cái lửa ấy cho thanh thiếu niên, thế hệ trẻ các bạn, tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, tinh thần dấn thân đóng góp sức mình cho quê hương đất nước, và tôi tin tưởng các bạn trẻ quận 11 sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, gìn giữ và phát triển quận nhà ngày càng vững mạnh và phát triển.

Tôi thấy được nhiều năm qua, các nhiệm kỳ sau này, thế hệ cán bộ trẻ quận 11 vững vàng về chuyên môn và bản lĩnh chính trị, đều trưởng thành từ quận nhà và một số cán bộ quận 11 đều đảm nhận nhiều vai trò vị trí quan trọng trong Đảng bộ TPHCM và Trung Ương. Tự hào về Quận 11 và tôi mong thế hệ trẻ các bạn sẽ tiếp nối, xây dựng quận 11 ngày một năng động và phát triển. 

 

 

 


Số lượt người xem: 1732    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA